Khám phá Boracay chưa đến 10 triệu đồng trong 3 ngày

Quán bar và biển là đặc trưng ở nơi đây, dưới kia là nước, chỉ cách nhau với chiều cao 30cm ở trên là những con người đang thưởng thức âm nhạc, đồ uống mạnh, lướt iphone…..

Em bắt đầu để ý đến Boracay từ topic đọc trên mạng cách đây 2 năm, khi người viết quả quyết Boracay là nơi nhất định phải đến 1 lần trong đời.

Sau 2 lần lỡ hẹn, 1 lần đang định book vé thì vợ chồng…cãi nhau, 1 lần dính mùa bão, rồi cũng đến ngày khởi hành mong đợi. Vợ chồng em khăn gói quả mướp lên đường bay chuyến …1h đêm.
3

Để chuẩn bị cho chuyến đi, em mua vé giá rẻ của hãng giá rẻ Cebu Pacific, thời gian cho chuyến du lịch tới Phil tối thiểu là 5-7 ngày thì mới đỡ tiếc. Em đi 7 ngày mà lúc về còn tiếc nuối hùi hụi. Vé giá rẻ được bán quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa thấp điểm (tháng 6 đến tháng 10, hay có bão), còn mùa cao điểm (tháng 11 đến tháng 5) thì hiếm hơn nhưng cũng không phải là không có, ví dụ trường hợp của vợ chồng em mua được vé 1$ vào giữa tháng 1. Giá em đề cập ở bài viết này đều là giá cho mùa cao điểm, các bác đi mùa thấp điểm thì còn rẻ hơn nữa.

Để đến Boracay thông thường phải bay từ Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội – Manila – Caticlan (Boracay) – Manila – Hà Nội (1) hoặc Hà Nội – Manila – Kalibo – Manila – Hà Nội (2). Hành trình (1) tiện lợi nhất nhưng lại đắt hơn rất nhiều so với hành trình (2). Hầu hết mọi người đi kiểu tight budget tiết kiệm đều chọn số (2). Từ Kalibo chỉ mất 60km và 2h đồng hồ xe ô tô (hãng Southwest khá uy tín) là đến được Boracay thôi. Nhà em lúc đi chọn bay thẳng vì book đc vé 1$, và lúc về thì đi qua Kalibo để đi được cung đường ven biển tuyệt đẹp.

Tiền vé 1 người khoảng 3,9 triệu. Tổng chi phí chuyến đi từ 7-10 triệu/1 người/ 7 ngày, tùy theo mức độ chi tiêu của bạn tiết kiệm đến đâu. Riêng vợ chồng em còn mua sắm đồ ở Manila nữa thì cũng chỉ hết khoảng 12 triệu / 1 người.

– Hà Nội – Manila khứ hồi (bay 3 tiếng) : 116 $ ~ 2,500K (7kg xách tay, không mua hành lý kí gửi, kinh nghiệm của em là mang thêm 1 cái túi kiểu dạng túi bigsize của phụ nữ cũng để thêm được chút đồ mà không bị tính là quá kg)

– Manila – Caticlan một chiều (bay 1 tiếng): 785 peso ~ 390k ( 1peso = 500 VND)

– Xe ô tô đón tận khách sạn từ Caticlan đi Kalibo: 575 peso ~ 280k (đã bao gồm phí sang đảo, phí tàu)

– Kalibo – Manila một chiều (bay 1 tiếng 10 phút): 600 peso ~ 300k

– Các loại phí: gồm phí môi trường, phí sang đảo, phí tàu sang đảo (200 peso), phí sân bay từ Kalibo đi Manila: 150 peso, phí sân bay từ Manila về Hà Nội 550 peso.

Trước khi đi, các bác cần chuẩn bị:

– Hộ chiếu, sang Philippines không cần xin visa, nhưng mỗi lần ở không quá 30 ngày.
– Tiền peso: Em đổi ở phố Hà Trung 1peso = 500 vnd, ở sân bay NAIA 1usd=44.80peso, ở D’mall Boracay 1usd=44.40peso. Theo em, nên đổi ở Việt Nam tiền peso và cầm 1 ít đô la đi, cần dùng thì sang Phil đổi thêm. Ngoài ra bạn tiêu thẻ Visa, Master thoải mái bên đó. Em dùng visa debit Vietcombank và credit đều ok.
– Quần áo mùa hè đủ dùng, gấp cuộn tròn để tiết kiệm diện tích balo.
– Mũ rộng vành, mũ vải mềm dễ gấp và cuộn được.
– Túi thuốc cá nhân và vật dụng cần thiết.

Đến Manila

Cebu Pacific là hãng hàng không giá rẻ nhưng rất đáng yêu. Mấy cô tiếp viên xinh và dễ thương kinh khủng, luôn miệng cười, chào, xin lỗi, cảm ơn và đối xử với mình rất tử tế. Cebu cân hành lý xách tay chặng đi từ Hà Nội, còn chặng nội địa thì không cân, nhưng nếu hành lý xách tay nhỏ gọn thì quá 1-2kg cũng ok. Trên máy bay tiếp viên sẽ phát cho mình tờ khai sức khỏe chứ không phát tờ khai nhập cảnh vào Phil. Sau khi xuống, gần chỗ hải quan Phil ngồi sẽ có các bàn để lấy tờ khai nhập cảnh, bạn cứ điền đủ thông tin rồi kẹp vào hộ chiều đưa cho họ. Hoàn toàn không có chuyện hải quan Phil lục soát người, họ chỉ hỏi mấy câu đại loại: lần đầu đến Phil à? Ở lại bao lâu? Tên khách sạn…v..v.

Xe jeep – đặc sản độc đáo đường phố Manila

Nhà em không nối chuyến đi Boracay luôn mà ở lại Manila chơi 2 ngày. Cebu đáp ở tầng 1 của Terminal 3, bạn đi thang máy lên tầng 3, đi đến hết các Gate người vào thì rẽ trái ở cuối đường ra cửa Exit, xếp hàng bắt taxi màu trắng, nhớ nói họ bật công tơ mét đồng hồ xe (meter counter) nhé. Từ sân bay về hostel em ở khu Malate hết 200 peso.

Ở Manila, vợ chồng em chọn Where2Next Hostel. Hostel này được các bạn Tây ba lô review rất tốt, ở trung tâm Malate, tiện đến các điểm tham quan như thành cổ Intramuros, Mall of Asia hay đi hồ núi lửa. Hôm em book bị hết phòng riêng nên phải ở phòng giường tầng, chung với những người khác. Em tưởng giường tầng thì bẩn lắm nhưng nó làm theo đúng chuẩn của Tây, giường nệm, phòng vệ sinh sạch sẽ tinh tươm, tủ để đồ khóa khiếc đàng hoàng, không lo mất, lại còn được giao lưu với các bạn ở khắp nơi trên thế giới. Giá khách sạn ở Manila rất đắt, rẻ cũng phải 600k 1 đêm nhưng ngủ nhà chung thì chỉ mất 200k 1 giường 1 người 1 đêm.

Manila cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài những chiếc xe chở khách công cộng màu sắc (jeepny, 1 lần đi là 8peso) và người vô gia cư. Thành phố thì bẩn thỉu, hôi hám, may còn có cái Mall of Asia trung tâm mua sắm lớn nhất Châu Á cứu lại ấn tượng. Mua sắm ở đây đã đời luôn, brand nào cũng có, hàng sale nhiều vô kể. Di chuyển ở Manila bạn nên dùng taxi có đồng hồ meter counter cho thuận tiện. Em mới chỉ thử qua taxi và jeepny còn metro, xe bus thì chưa thử.
Hai ngày cũng qua mau, vợ chồng em háo hức đến ngày thứ 3 để ra Boracay.

Lại một điểm nữa làm em thích hãng giá rẻ Cebu, đấy là hôm đi Boracay trời dở hơi mưa tầm tã, các bạn nhân viên Cebu đã che ô cho vợ chồng em từ nhà chờ lên tận máy bay. Bay chừng 1 tiếng thì đáp xuống sân bay Caticlan. Sân bay Caticlan rất nhỏ nên chỉ đáp được máy bay ATR cánh quạt, em cực kỳ ấn tượng với cú hạ cánh huyền thoại của phi công Caticlan. Đến sân bay Catilan (Boracay) không mua vé trọn gói 400peso, cứ bước ra cửa bắt xe tricyclo, 50peso/xe/chở đến bến tàu (nói boat station to Boracay). Tới bến tàu các bác xếp hàng mua đầy đủ 3 vé gồm pump boat, environment fee, terminal fee tổng cộng hết 200 peso/ 1 người. Rồi tuần tự vào cửa đưa vé cho họ kiểm tra 3 lần là lên tàu qua bờ bên kia. Tới bờ Boracay bắt tricyclo 100peso/xe chở về tận khách sạn.

Khách sạn ở Boracay nên chọn White beach, station 2, là thuận lợi cho việc ăn chơi. Còn để sát hơn nữa thì cũng trong station 2 chọn cái nào nằm giữa D’mall (trung tâm mua sắm) và D’talipapa (chợ hải sản) là tuyệt vời. Những ai muốn đi resort yên bình hơn thì chọn Station 1, ít tiền có thể chọn Station3. Đi tricycle giữa các station hết tầm 20 peso. Vợ chồng em toàn đi bộ, thấy nó cũng gần. Vợ chồng em chọn Taj Guest House nằm giữa D’mall và D’talipapa ở Station 2. Sau khi email mặc cả tứ tung thì mình được giá 4000 peso (2 triệu) cho 3 đêm/ 1 phòng riêng. Giá này quá ổn vào mùa cao điểm.

Tuy là guest house nhưng cũng phải tương đương khách sạn 2-3 sao của mình. Khi đến, bác tricycle thả vợ chồng em ở ngoài đường làng, nói đi bộ qua D’mall là tới khách sạn, nhưng ở đây không đánh số nhà, hơi vất vả để tìm, lúc lâu không tìm được mình mới hỏi 1 anh. Trời ơi, anh nhiệt tình và thân thiện đến mức dẫn em đi một hồi đến thẳng khách sạn luôn. Ở Boracay mua sắm ăn uống chơi trò chơi đều phải trả giá sát ván, tầm còn 1/3 là ổn, nếu họ chưa chịu thì tăng dần lên chút chút. Ví dụ mua tour island hopping thăm đảo giá ghi 2500 peso trả còn 800 peso 1 người đã gồm cả ticket vé đi đảo crystal cove. Nên đi cái island hopping này để tiết kiệm thời gian, thăm được nhiều bãi tắm một lúc, nhất là Crystal Cove và Puka Beach, từng là top 1 bãi biển đẹp nhất thế giới: nước trong vắt, nhìn thấy rõ đáy, cá thì bơi tung tăng bên cạnh, cực kỳ yomost.

Cả chuyến đi em chỉ gặp hai cô Korea mặc bikini có thân hình săn chắc đáng ước mơ.

Nếu các bác tiết kiệm tiền không đi Island hopping thì ra đường chính bắt tricycle từ 10-50 peso để di chuyển đến các bãi tắm Puka Beach, Bulabog…, trước khi đi nhớ mua ít đồ ăn nước uống vì những bãi này dịch vụ chưa có gì nhiều đâu. Mua mấy cái tour hay trò chơi trên biển phải nói là all-in, mày trả hết lo hết cho tao, tao chỉ trả tiền trọn gói 1 lần thôi. Nên thử helmet diving, lặn với mũ bảo hiểm, 200k/ 1 người/ 30 phút, cực kỳ thú vị. Parasailing (đi thuyền Bangka ra biển ngắm hoàng hôn) cũng chỉ tầm 100k 1 người.

Em thích ăn uống nên em sẽ viết sâu vào mục ăn uống. Sáng thì ăn kiểu snack nhẹ, trưa thì tìm các nhà hàng dọc bãi biển hoặc vào D’mall. Buổi tối nên ăn hải sản tươi sống ở chợ D’talipapa, cứ trả giá còn 1/3. Kinh nghiệm là so sánh với giá ở Việt Nam rồi trả bằng hoặc thấp hơn, vì mua xong còn phải mang ra các quán bên cạnh kêu họ chế biến, công chế biến từ 100-200peso tùy món (có khi công chế biến còn đắt hơn tiền hải sản ý). Em thích món chili crab cua sốt cay lắm, ngon muốn ngất ngây, uống với 1 chai bia san Miguel thì vợ em nhìn nhau vỗ đùi đen đét. Vợ chồng em mua 2 con cua to đùng 1kg hết 300k, 1 kg hàu hết 50k, 5 con tôm loại 1kg/10 con hết 200k, thêm công nấu 3 món, 2 phần cơm tỏi (cực ngon), 1 phần cơm thường, 2 chai bia hết khoảng 800k. So với giá ăn hải sản ở Việt Nam thì không đắt và còn ngon hơn tỉ lần.

Nếu muốn ăn đồ Phil thì một nhà hàng cực chuẩn em muốn giới thiệu là Smoke Resto, nằm trong D’Mall, hơi khuất, khó tìm tí nhưng hỏi người ta chỉ cho nhé. Món nên thử nhất ở đây là Kaopad (140 peso ~ 70k), 1 bát tô to cơm với thịt gà, bò, xoài xanh, trứng, trộn đều lên, ực ực, em thề có thể ăn món này mấy ngày mà không chán. Smoke Restro mở cửa 24 giờ luôn.

Một số nhà hàng mà em đã thử:

Shenna’s Restaurant, nằm ở Station 2 trên đường bờ biển gần D’mall. Đây là một trong những nhà hàng rẻ ở Boracay, các món ăn nhẹ dạng snack thường dưới 100 peso.

Jonah’s Fruit Shake & Snack Bar, Station 1, bờ biển. Ở đây có sinh tố ngon tuyệt, cốc to nửa lít mà có 100 peso (50k). Nhớ thử sinh tố bơ và sinh tố xoài nhé (mango shake, avocado shake), thử xong chết ngất vì ngon.

Andoks, một chuỗi nhà hàng ăn nhanh của người Phil kiểu BBQ, KFC nhà mình. Ăn dở, nhưng được cái rẻ (60-140 peso). Nằm trong D’mall có 1 cái và ở Station 3 1 cái.

Nếu muốn tiết kiệm nữa thì đi dọc theo con đường chính của đảo (đường nhựa của làng, song song với đường bãi cát ven biển) và đi vào các ngõ nhỏ dẫn sang bãi biển Bulabog. Ở đây bán nhiều đồ ăn Phil giá rẻ dưới 50 peso kiểu cơm bình dân bên mình.

Ngoài ra có hàng trăm nhà hàng, quán bar dọc theo các Station, các bác tự khám phá thêm nhé. Các dịch vụ cũng không thiếu một cái gì, từ vẽ henna, tết tóc, tattoo, massage dạo. Em đã thử full body massage của các massage ladies trên bãi cát, hết 175k/ 1 tiếng. Họ cho mình nằm lên một cái ghế dưới bóng dừa mát rượi và lấy chính dầu dừa họ làm bôi lên cơ thể mình. Em có một thói quen là đi massage ở tất cả các nơi mình đến du lịch nhưng phải nói Massage Phil hơn hẳn, quá tuyệt vời.

Một trong những điều em mê nhất bên cạnh bờ biển dài, cát trắng, làn nước pha lê tinh khôi là hoàng hôn Boracay. Buổi tối thì các quán bar trên bãi biển sẽ tổ chức ăn uống, nhảy múa, ca hát, shisha đủ cả. Nhớ thử 1 quán bar nào đó có happy hours nhé, để được giảm giá tối đa. Cũng đừng quên tham dự midnight party để làm quen thêm bạn nữa.

Về Kalibo

Chiều về em đi qua Kalibo vì vé bay thẳng Catilan – Manila quá đắt. Trước ngày về 1 ngày là phải đến văn phòng Southwest để mua vé rồi. Văn phòng Southwest nằm ở đường chính của đảo (đường nhựa của làng), nằm giữa ngõ rẽ vào D’mall và ngõ rẽ vào D’Talipapa. Em mua vé trọn gói đón tận khách sạn và đưa về tận sân bay Kalibo của họ hết gần 580 peso 1 người.

Từ Boracay đi Kalibo mất 1 giờ đón đưa, check in tàu bè các kiểu và 2h xe chạy. Vì vậy phải căn giờ cho chuẩn để đến sân bay cho kịp. Sân bay bé, đông người nên check in lâu lắm, phải có mặt ở sân bay trước ít nhất 2 giờ. Đường từ Boracay đi Kalibo có nhiều đoạn đèo núi quanh co nên cũng hơi mệt tí.

Nếu muốn tìm các khách sạn, hostel nào ở Manila, Boracay, Kalibo thì các bác nên chọn www.booking.com để book vì đa số không phải trả tiền trước mà cứ in voucher ra đến đó thanh toán thôi.

Những ngày tận hưởng nắng ấm trôi quá nhanh và vợ chồng em chắc chắn sẽ quay lại Philippines thêm một lần nữa vì còn đảo Bohol, Palawan…đều là những hot hit không thể bỏ qua.

White Beach – Boracay chia làm 03 khu vực.

Station 1: Gần hòn đá huyền thoại, có các Resort cao cấp, Cũng ở Station này là điểm tập kết khách du lịch đi tham quan đảo, lặn biển.
Station 2: Trung tâm của bãi tắm, rất đẹp, có nhiều dịch vụ và quan trọng là khu mua sắm D* Mall.
Station 3: Khu này mọi thứ giá rẻ hơn, nhưng có điểm nhấn là khu chợ hải sản D*Talipapa
Từ khu trung tâm, có thể thuê xe máy tự khám phá đảo. Đi xuyên qua D*mall là ra đến đường chính, các bacs có thể vi vu đến bãi Puka hoặc rất nhiều bãi biển khác.

Đến sân bay Caticlan!

Cú tiếp đất huyền thoại để lại bao ấn tượng, em có cảm giác đang ngôi sau phân khối lớn đốt lốp bốc đầu và nảy mông…Nhưng cú tiếp đất rất an toàn.

Hình hài em nó đây ạ, cũng hấp dẫn đến lạ kỳ.

Chúng em chạy ngay ra khỏi sân bay, hỏi một anh công an có đeo súng Spy loại 7 viên hoa cải, anh ấy chỉ cho chỗ mua vé xe Tricyclo 50peso/1 xe chạy ra bến cảng.

Khi đến cảng nhà em xếp hàng mua vé: Gồm 3 loại như đã kể trên.

Sau khi mua vé xong sẽ qua quầy check in, xé cuống vé và có chỉ dẫn xếp hàng lên Bangka bắt đầu hành trình ra đảo.

Sóng vỗ mạn thuyền, Bangka có cả một hệ thống phao nổi cân bằng, khiến con thuyền tưởng chừng như nhỏ bé nhưng rất chắc chắn. Nó lướt sóng tung bọt trắng xóa chả mấy chốc đã đến bờ bên kia.

Đến cảng nhà em chạy lại ngay một bác tricyclo và mặc cả từ 200 peso xuống còn 100 lên xe và tiến về D*mall. Đến D*mall nhà em như bị lạc vào một mê cung, hỏi ai cũng không biêt hostel ở chỗ nào, giữa trời nắng chang chang 2 đứa lếch thếch rảo bước, mặt ngắn tũn, môi khô, mồ hôi cứ rỉ ra trong áo.

Cuối cùng giữa D*Mall cũng có bàn thông tin du lịch, và nhà em được trợ giúp lần 1. Tiến ra bãi biển, nắng, gió, tiếng sóng ào ào, một màu trắng của cát, màu xanh ngọc của nước biển. Dừng lại 1s em chấn tĩnh tinh thần và ngắm thật kỹ. Đến biển rồi, vợ chồng em hú hét như không có ai đứng xung quanh, sướng quá, đã quá.

Bước ngắn bước dài trên cát, dưới bóng dừa gió lộng. Trông vẻ mặt ngơ ngác thì có một anh người Phil lao ra mời chào mua tour, nhà em bèn hỏi thăm đến hostel huyền bí rồi thủng thẳng bước theo sau mắt đảo như rang lạc, chỉ sợ anh ta dấn tới chỗ nào đó rồi đòi tiền….lo lắng.

Đến một con hẻm nhỏ, nó rộng chừng 1,5m thôi đi sâu tun hút rồi cũng đến. Anh ấy đưa cho một cái card và nói, ngày mai nếu có đi đâu cứ gọi sẽ được giảm giá. Nhà em nhẹ cả người, Con người ở đảo quá thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ đã làm thay đổi ngay cái nhìn và cảm nhận của em.

Con đường chính ven biển, không phải bê tông, không rải nhựa, chỉ có cát trắng mịn và những đôi chân nhỏ xinh.

Bỏ qua buổi chiều, em ở lại phòng nghỉ ngơi, sạc pin máy ảnh, điện thoại và chờ đợi.
Ở Boracay, White Beach có hướng tây chính vì vậy thời gian đẹp nhất trong ngày chỉ kéo dài từ 16h – 18:30 tối, tuy nhiên mỗi cảnh, mỗi khung hình lại có nét đẹp riêng.

Mặt biển dường như muốn nuốt chửng ông mặt trời.

Sau một ngày đón khách, những cánh buồm căng gió tiến dần về bến nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày mới.

Không còn khoảng cách về không gian, ngôn ngữ hay màu da. Mọi người cùng hướng về biển, Iphone, Samsung hay HTC, Canon hay Nikon cùng bấm máy ghi lại những khoảnh khắc đáng lưu luyến.

Không ngừng chớp mắt, em như một gã khờ lạc vào cõi bồng lai, bỗng trong lòng cứ lâng lâng nhớ về Hạ Long yêu dấu, nhớ những cánh buồm nâu sao mà đẹp đến thế.

Tiếng nhạc sập xình dọc bãi biển, lửa cũng đã bùng lên, cả bãi biển như bước vào cuộc sống mới. Nhà em đi chợ D*talipapa chuẩn bị cho bữa tối.

Bữa tối đầu tiên tại chợ hải sản D*Talipapa.

Men theo con đường dọc bờ biển, ánh điện sáng trưng, từ D*mall em rẽ trái và đi đến biển hiệu Victory Divers thì rẽ vào con ngõ nhỏ, có khá nhiều cửa hàng bán mọi thứ từ trên dời dưới bể có cả.

Đến chợ hải sản, nó không hoành tráng và nhiều hải sản như ở ta. Quanh đi quẩn lại chỉ có các loại cá, tôm hùm, tôm sú, nhum, sò, điệp, sò lông, ngao, ốc, hàu…

Ở chợ này mặc cả là cả một nghệ thuật, Cùng một sạp nhưng mỗi ngày sẽ có một chủ hàng khác nhau đứng bán nên bạn sẽ không mua được giá giống ngày hôm qua.

Sau khi chỉ vào con tôm hùm hỏi bao nhiêu nó bảo 5,200 peso và đưa cho em cái máy tính, em bấm 1500peso nó kêu ầm lên lắc đầu ngao ngán, rồi em lại bấm 2000 mà nó chưa bán, cuộc ngã giá bất thành.

Sang sạp khác nhà em mặc cả được hai con cua tầm hơn 1kg tí ti có giá 600peso, mua thêm ít tôm, hàu quát giá 900peso/1kg nhà em trả 100peso nó bán ngay. Sau khi mua bán xong, xung quanh chợ là các nhà hàng, họ mời chào nấu, chế biến, có bảng giá hẳn hoi dao động từ 100 – 200peso tùy món.

Trong giây phút chờ đợi nhà em rửa sạch tay và không quên lấy ra từ trong túi 3 quả chanh mang từ Việt Nam. Chanh ở đây có giá 15peso/1 quả = 7000vnd.

Món cua sốt cay cực ngon.
Lần đầu tiên em được ăn cái nước sốt nó sền sệt đậm đà ngon đến như vậy, mới nhìn thôi mà em đã mướt hết cả chân răng rồi nuốt nước bọt cứ ừng ực.

Ở D*Mall có rất nhiều nhà hàng mà người Việt có thể ăn.

Điển hình là Mcdonal khá rộng, sạch sẽ ngay tại cổng chính của D*mall. Em đi lang thang một lúc các cửa hiệu ở đây cái gì cũng có, tuy nhiên giá có nhỉnh hơn ở D*talipapa.

Rồi thì nhà em cũng dừng lại một tiệm bán Kem. Phải nói kem ở đây quá khủng, có phần cho đại gia đình 500peso, có phần cho 4 người, 300peso, riêng nhà em chỉ dùng 150 peso gồm có kem, socola, trà xanh, gạp nếp rang, các loại trái cây thập cẩm, đá xay…ăn rất lạ và ngon đến giọt cuối cùng.

Ở cuối của D*mall hướng ra biển là trung tâm ẩm thực, ăn uống mang đậm phong vị của nhiều quốc gia. Chỉ cần lướt qua nhà hàng em đã đoán được ngay đâu là nhà hàng Ấn Độ hay Thái Lan.

Điểm đặc biệt em muốn nhấn mạnh ở trung khu này là sự khác biệt nằm thọt lỏm trong con hẻm nhỏ thự sự khó tìm nhưng ẩm thực ở đây rất tinh tế, nó không giống những nhà hàng khác chế biến theo kiểu công nghiệp. Smoke Resto quán chuyên các món của người Phil.

Kaopad là món đặc sản ở đây. – Kaopad thịt lợn – Kaopad thịt gà Ngoài ra em cũng có thể yêu cầu thêm, bớt nhiều gia vị sao cho giống của Việt Nam mình. Tuy nhiên cứ để đầu bếp chế biến là ngon nhất.

Món mỳ xào cực hấp dẫn vì nó ngon quá mà em quên mất cả tên gọi.

Quầy bếp!

Không hổ danh là quán khói, cũng giống như quán bún chả ở Hà Nội. Khói nghi ngút quện lẫn bao thứ mùi ám vào đầu tóc, quần áo, da. Nhân viên rất xinh và thân thiện, nhà em xin quả quất mà nói họ ko hiểu, chỉ khi small lemon mấy cô mang ra ngay.

Để tìm được quán em có chỉ dẫn như sau.
– Quán nằm trên trục chính của D*Mall đi từ MCdonal vào thì nó ở cuối đường, gần bãi biển.
– Đi từ đường ven biển vào chỉ cần qua nhà hàng của Thái, rẽ trái là đến.

Khi nhìn thấy biển hiệu: Palawan Pawnshop là tới quán Smoke.

Ngoài kia là biển vắng. Nói là vắng vào thời điểm ăn trưa khá nắng, cát trắng tinh, sóng nhẹ nhàng khung cảnh cứ mê man hút vào tầm mắt.

Boracay về đem cực náo nhiệt, nhà em đi biển nhiều tuy nhiên chưa thấy bãi biển nào lại hấp dẫn như White Beach (Rất dễ ngã vào các nhà hàng quán bar)

Bữa tối đầm ấm dưới ánh đèn. Sau bữa tối họ thưởng thức đồ uống, họ cưa nhau, họ check in FB gửi thông tin báo cho bạn bè ở một nơi nào đó.

Ở Boracay các quán bar cũng tổ chức múa lửa để hút khách.
Các vũ công ở đây đều là boy và gay. Nói là gay vì yểu điệu thục nữ mà râu ria vẫn xồm xoàm.

Nhân viên và thực khách cũng có thể là khách đi qua cùng nhảy.
Ở Boracay hay Philippines có rất nhiều ca sĩ, chất giọng của họ thì thôi rồi, em mải nghe mà quên ko quay video.

Quán bar và biển là đặc trưng ở nơi đây, dưới kia là nước, chỉ cách nhau với chiều cao 30cm ở trên là những con người đang thưởng thức âm nhạc, đồ uống mạnh, lướt iphone…..

Dọc đường đi em chứng kiến bao cái hay, đã 11h đêm nhà em quay về phòng nghỉ chuẩn bị cho hôm sau đi tour khám phá đảo.

Cùng Danh Mục

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *