Xe bò bía 1 ngàn đồng gắn bó bao lứa tuổi học trò ở Sài Gòn
“Ông bía 200 đồng”, hiền lành, chất phác, tuy kiệm lời nhưng ông rất gần gũi với học sinh nơi đây.
Cứ đến giờ ra về, học sinh, sinh viên các trường đại học và trung học lại í ới hẹn nhau: “Đến chỗ ông bía nha”. Chỉ cần nói thế là ai cũng biết đến xe bò bía của ông Út.
“Ông bía” là tên quen thuộc của ông Nguyễn Văn Út (67 tuổi, ngụ Q.11, TP. HCM), bán bò bía phía sau Trường THCS Lữ Gia (Q.11). Ông Út trước đây làm thợ sơn xe ô tô, nhưng vì khi lớn tuổi mắt kém, ông không còn làm được như trước nên xin nghỉ.
Thấy cha vợ buồn rầu vì không có việc gì để làm, con rể của ông Út chỉ ông làm nghề bò bía (nghề gia truyền của con rể). Cứ tưởng chỉ làm một thời gian chờ có công việc thích hợp, nhưng đến nay khi nhắc đến bò bía, ông Út giật mình vì đã gần 20 năm.
Vì bán chủ yếu cho học sinh, sinh viên nên mỗi ngày “ông bía” và vợ mình đến bán từ 10h sáng đến 18h30, chỉ nghỉ ngày Chủ nhật.
Ban đầu, ông Út suýt chút… bỏ nghề vì bán bò bía quá nhọc nhằn. Sáng sớm đã phải thức chuẩn bị nhân, rồi trưa lại đội nắng đứng bán đến chiều tối. “Lúc mới bán chưa quen, cứ tối về tôi và vợ mỏi nhừ tay chân, người đau khắp nơi nhưng không dám nghỉ ngơi, lại phải bắt tay vào chuẩn bị nhân cho ngày hôm sau đi bán tiếp. Có khi quá mệt, tưởng như không chịu được, tôi đòi nghỉ bán, nhưng lúc đó vợ bên cạnh động viên rồi tiếp tục. Cứ đau, mỏi như thế cho tới vài tháng mới quen dần, rồi bán đến hôm nay”, ông Út chia sẻ.
Theo ông, làm bò bía không khó nhưng rất cực, vì những nguyên liệu làm bò bía cả nhà ông phải tự làm thủ công chứ không mua sẵn nên rất mất thời gian.
Nhất là bánh tráng, ngoài việc phải cắt sao cho khi cuốn thành bò bía, dài khoảng 3 đốt ngón tay, còn phải ủ chung với lá chuối để khi cuốn không cần dùng nước mà bánh đủ độ dẻo, không rách nhỏ. Củ sắn sau khi rửa sạch, phải luộc chín nhưng không quá mềm, rồi xả nhiều lần nước cho thật sạch. Sau đó ninh lửa nhỏ đến khi đi bán thì cũng phải để lửa liu riu cho nóng. Thế nhưng lúc đến tay khách, củ sắn phải đủ độ giòn, ngọt.
Mỗi lần ông Út cuốn 6 cái, cứ cuốn bánh từ khi ra bán đến lúc về nhà vẫn còn khách đứng chờ.
Trung bình mỗi lượt khách ghé qua đều ăn 10 cuốn mới đã.
Mỗi cuốn bò bía dài khoảng 3 đốt ngón tay, bao gồm: rau thơm, xà lách, củ sắn, nhân hỗn hợp con ruốc, tôm khô,… chấm với tương nóng và ớt sa tế khiến ai cũng thích.
Nhân bánh ngoài củ sắn còn có hỗn hợp con ruốc, tôm khô,… được làm bằng cách thái nhỏ chúng rồi rang áp chảo để cho chúng vừa thơm, vừa ngọt. Đậu phộng và tương chấm cũng được làm theo công thức riêng mà chỉ những người trong nhà ông Út mới biết.
Tất cả phần nhân phải hòa quyện với nhau, có hương thơm của tôm khô, độ nóng hổi của củ sắn, vị mằn mặn của con ruốc, giòn từ đậu phộng rang… mà ai cũng thích. Điều đặc biệt, nếu ăn khi củ sắn và tương còn nóng thì mùi thơm của tôm khô sẽ bốc lên nức mũi, khiến thực khách thích thú.
Điều ông Út quan tâm chính là sự sạch sẽ, vì theo ông, bò bía là loại thức ăn có thể ăn vặt, cũng có thể ăn no, nhưng phần tăng thêm sự ngon miệng ngoài nhân còn có rau quấn kèm. Làm không sạch thì người dùng sẽ bị đau bụng, thậm chí ngộ độc, từ đó sẽ không quay lại xe bò bía của ông nữa.
Ông Út cho biết: “Bán đồ ăn quan trọng là phải nghĩ đến sức khỏe của thực khách, nếu không người bán sẽ không thể tồn tại được”.
Ông Út cho rằng ngoài hỗn hợp nhân, điều đặc biệt để làm nên thương hiệu “ông bía” đó là củ sắn, tương luôn được hâm nóng và chế biến theo cách riêng.
Lúc mới mở, ông Út bán chỉ 200 đồng/cuốn, sau nhiều giai đoạn vật giá, đến nay ngót gần 20 năm giá mỗi cuốn bò bía chỉ 1.000 đồng. Mối ruột của ông nhiều vô kể, có khách là con của những học sinh năm cũ đến ăn bò bía tại xe ông. Họ không biết ông tên gì, chỉ gọi ông là “ông bía”, cho đến bây giờ cứ nhắc đến ông bía 200 đồng là ai cũng biết.
Cứ đến chiều là khách sẽ “ghé thăm” ông bía, khá quen nên khách đến đều tự lấy ghế “dọn bàn” và chỉ cần gọi số lượng là có cuốn.
Khi nhắc đến thực khách là phải kể đến những nhóm học sinh như thế này.
Anh Phan Minh Hải (ngụ Q.1, TP. HCM) cho biết: “Tôi ăn bò bía ở đây từ khi còn là học sinh lớp 6. Đến giờ tôi đã có hai con và ở tận quận 1, nhưng mỗi tuần ba cha con ghé vào thăm ông bía 2 lần vì… thèm. Nhiều lần ghé thăm ông, tôi cũng gặp lại bạn cũ ở gần đây hoặc họ cũng chở con đến ăn, gặp nhau vừa ăn vừa ôn lại thời đi học. Tôi gợi ý ông bía tăng giá nhưng lần nào ông cũng cười trừ”.
Theo ông Út, vì ông bán cho học sinh là nhiều, chúng đi học không có bao nhiêu tiền, lên giá thì tội chúng. Nên dạo gần đây, giá thành nguyên liệu đang tăng, mỗi ngày ông phải bán hơn 10 kg củ sắn thì mới có lời, nhưng ông vẫn cố gắng giữ giá 1.000 đồng.
“Ông bía 200 đồng”, hiền lành, chất phác, tuy kiệm lời nhưng ông rất gần gũi với học sinh nơi đây.
Hiện nay, ngoài học sinh, sinh viên, có rất nhiều người dân, người đi làm cũng ghé qua quán ông thưởng thức bò bía “gia truyền” nên ông và vợ phải tranh thủ bán từ 10h sáng đến 18h30 các ngày trong tuần, chủ nhật mới về nhà. Nhưng theo ông, đông nhất là tầm 15h đến 16h30, lúc đó hai bên vỉa hè chật cứng khách. Nhưng dạo này trời hay mưa chiều nên đa số họ mua về chứ không ghé ăn.
“Quán” bò bía của ông Út chỉ là một chiếc xe nhỏ và vài chục chiếc ghế nhựa, mỗi khách đến ăn sẽ được 2 chiếc ghế, 1 để ngồi, 1 để làm bàn. Mưa cũng không có mái che, vỉ hè làm chỗ tiếp khách. Thế nhưng khi nhắc đến “ông bía 200 đồng” là nhắc về tuổi thơ của không biết bao nhiêu người dân Sài Gòn tại khu vực này, thậm chí, có rất nhiều sinh viên ngoại tỉnh cứ có dịp là ghé qua đây để ôn lại những kỷ niệm của một thời “nhất quỷ, nhì ma”.
Cùng Danh Mục
Leave a Reply